Mỗi khi đọc truyện của nhà văn Lê Minh Hà, tôi cứ như theo chị ấy về sống ở Hà Nội, một HN vừa văn minh hiện đại vùa cổ kính ngàn năm. Chôm cứ như đang đi với chị ấy đi ăn hàng quà ở Hà Nội. Sinh sống tại Đức, chị ấy như mang theo mình hết cả 36 phố phường Hà Nội. Chị ấy nhớ day dứt từng con phố, từng hàng quán, từng hạt cốm Vòng thơm mùi lúa mới, từng bát bún ốc thơm cay xé lưỡi lẫn vị chua dịu của mẻ. Với khẩu vị tinh tế, chị ấy cho rằng vị chua của mẻ là một mình một chiếu, không lẫn vào đâu được. Cũng vì thế mà khi ăn bát bún ốc hay chả cá Lã Vọng ở Đức, chị ấy không thể nào kham nổi cái vị chua của bia Đức được dùng thay thế cho mẻ.
Mẻ? Mẻ là cái gì mà ghê gớm thế? Ái chà chà, không chừng khi mình thay thế nó bằng sour cream, yaourt, hay me chua cho vào các món cần bỏ mẻ, chị ấy cũng sẽ... "nhăn mặt" có khi! Thế thì mình phải tìm mẻ ướp vào các món ấy xem nó như thế nào mới được.
Đầu tiên, tôi gọi cho dì của hubby để hỏi coi dì biết làm không. Dì nghe xong, kêu lên thất thanh "Cháu ơi, cháu đừng ăn mẻ nhá! Khiếp lắm!" Nghe nản quá, nhưng mình cứ nhất định tìm hiểu. Sau đó, tôi tìm được bài chỉ dẫn gầy cơm mẻ do cô Cẩm Tuyết bên VN viết. Bài viết công phu và rất hay, nhưng tóm lại theo cô Cẩm Tuyết, muốn gầy cơm mẻ thì mình chỉ cần cho một ít cơm nhão vào cái keo, đậy kín lại, cho vào chỗ âm ấm, vài hôm sau mình sẽ có cái mẻ. Cô ấy còn dặn là nếu mình chưa biết mẻ như thế nào thì không nên làm vì làm sai có thể độc hại. Đơn giản quá! Tôi bắt tay vào làm. Mấy hôm sau, hồi hộp mở ra: nguyên hủ lên mốc xanh! Thất bại này cộng thêm lời bàn ra của dì hubby làm tôi nản. Thôi, bỏ cuộc. Xin lỗi chị Lê Minh Hà. Không biết mẻ của chị làm thức ăn ngon cỡ nào chớ kiểu này thì nhà em xin kiếu!
Mấy tháng trước, có mấy người bạn của hubby lại nhà chơi. Hôm đó, tôi đãi toàn là bún, trong đó có bún tôm chua thịt luộc. Có một chị cứ theo hỏi cách làm tôm chua, tôi chỉ hết. Chị ấy cứ hỏi là như vậy có phải là mình đang ăn tôm sống? Sao mà sống được hở chị, khi mà mình phơi nắng nóng như vậy là tôm chín rồi. Chị ấy lại thắc mắc là cái gì làm cho tôm chua. A, điều này thì mình chưa bao giờ nghĩ tới. Suy nghĩ một giây, tôi nói là đường và rượu làm cho con tôm lên men chua, fermented. Thế là như một tia chớp loé lên trong đầu, tôi nghĩ mình sẽ thử gầy cơm mẻ bằng đường và rượu thử xem sao.
Tính làm ngay nhưng mà rồi bận bịu nên quên đi. Mãi rất lâu sau đó, tôi bới ra một bát cơm, chế thêm vô tí nước rồi nấu lên cho trở thành cháo đặc, cho vô một tablespoon đường cho tan trong cháo, bắc xuống để thật nguội, cho vô keo, xong chế vô 2 tablespoons rượu trắng, trộn đều. Đậy keo thật kín, cho vô chỗ mát. Mấy hôm sau lấy ra xem thử. Mẻ có màu trắng tươi, không có chút mốc nào, có vị chua dịu nhẹ, có mùi thơm dễ chịu. Thành công rồi!
Chị Lê Minh Hà và các chị em gốc Bắc thân mến, tôi không biết con mẻ thật sự ra sao, nhưng với thành phẩm tôi đang có trong tay, tôi tự tin là nó sẽ làm tăng hương vị của các món như chả cá, bún ốc, giả cầy, v.v. rất nhiều. Có dịp thì các chị cứ thử gầy cơm mẻ đi nhé!
Wednesday, March 17, 2010
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
13 comments:
Nhà em lúc nào cũng có 1 hũ mẻ để sẵn nè chị ui. Mợ em nấu ăn hay dùng mẻ lắm, nên lúc nào trong nhà cũng phải có sẵn mẻ mà.
Nha` Cap lu'c na`o cu~ng co' co+m me? he^'t ddo'. Tho^ng thuo+`ng nha^'t la` na^'u canh ca' me?, co`n gia? ca^`y, baba, cha? ca', suo+`n nuo+'ng, uo+'p vo^ ti' dda^.m dda` la('m.
Vậy thì nhà Quỳ và nhà Cap có làm mẻ giống như của Chôm không?
Quỳ & Cap - Có phải mẻ của nhà Quỳ & Cap là... đúng kiểu truyền thống, tức là có những con mẻ lúc nhúc trong đó, những con mẻ này có cái miệng nho nhỏ tiết ra chất chua? Chôm nghe như vậy nên rất sợ nên chỉ... kính nhi viễn chi. :D Mẻ kiểu như vậy thì mình có thể tìm mua ở Bến Thành vùng Orange County, chỉ 1 tì cho 1 hủ thôi. Dùng bớt rồi thì cho cơm vô nuôi tiếp.
Mẻ kiểu của Chôm thì dành cho những người chết nhát như Chôm, tức là lên men nhờ đường và rượu nên không có những con mẻ đó. Những người không tìm mua được con mẻ cái cũng có thể làm mẻ kiểu này. :)
Nghe tả con mẻ thấy sợ quá Chôm ơi.
Mình làm món chả cá Lã Vọng cũng tự chế mẻ theo cách của mình: lấy một ít cơm nguội nấu cháo nhuyễn. Khi cháo thật nguội cho ít giấm vào trộn đều rồi đậy kín lại. Ủ chua một ngày là có thể xài được, có khi nửa ngày cũng được. Nhưng mẻ dã chiến này chỉ xài tạm bợ thôi chứ hương vị chắc không giống mẻ truyền thống :)
chị Chôm ui, làm gì có vụ "con mẻ lúc nhúc" trong đó vậy? Mấy con mẻ này đâu có lúc nhúc gì đâu. Gọi là "con" cho oai vậy chứ, tụi nó bé tí tẹo à. Lam` gì có chuyện lúc nhúc, ghê vậy?
mẹ Be Bo ui: em làm mẻ hổng có rượu như chị Chôm làm đâu. Em gầy mẻ bằng cách này nè:
- Cơm nấu nhão, để nguội, cho vào trong một hũ sành sứ hoặc thủy tinh thật sạch có nắp đậy kín (dùng hũ thủy tinh, tại nó trong suốt, mình nhìn xuyên qua được để khỏi phải mở nắp ra/ vô hoài, sẽ làm mẻ hư).
- để khoảng 2 tuần thì cơm sẽ chua từ từ và chuyển qua dạng bấy bấy (Nội em thì gọi là bị ngấu), rồi trở thành màu trắng đục như sữa vậy đó. Lúc này, nếu mở nắp ra thì mẻ đã có mùi thơm chua nhè nhẹ, dìu dịu rồi.
- phải để hũ mẻ đó trong chỗ mát nha.
- nếu không rửa sạch mấy cái hũ, rồi nắp hũ cứ bị mở ra liên tục (để kiểm tra mẻ) thì mẻ dễ bị hư, mốc thiu (giống chị Chôm bị lần đầu tiên đó)
- muốn biết cơm mẻ đã đến độ có thể dùng được chưa thì nhìn lên thành hũ thủy tinh, sẽ thấy có lấm tấm "con mẻ" đó.
Muốn dùng mẻ thì lấy ra ướp thức ăn, nhưng nhớ giữ lại 1 ít trong hũ để tiếp tục gầy tiếp mẻ khác. Mấy lần sau thì dễ rồi, cứ cho thêm cơm nguội vào, đậy kín lại, rồi chờ lên mẻ tiếp thôi.
Không có cơm nhão nguội thì dùng cháo đặc cũng được luôn.
Quỳ, thì chị nghe nói vậy chớ có thấy đâu, mà cũng đâu dám thấy. Hồi chị làm mẻ theo cách như em nói đó, chị đã luộc hũ thiệt kỹ, không mở ra mở vô chi hết, cất kỹ trong chỗ mát. Vậy mà vẫn mốc xanh. Thôi, chị sợ rồi.
PD, brvo nàng. Chôm nghĩ là nếu mình gầy mẻ bằng giấm thì hiệu quả cũng như rượu + đường hé.
em nghi con me tuc la cai men cua no no len hoi soi soi thoi chu dau phai la dong vat ma luc nhuc hen chi ;d
Mon em thich nhat ma nau voi me do la mon canh chua ngheu, mon nay ma khoong co me la hong
Cam on chi va chi Da Quy, mai mot em khong o VN nua ma them me thi cung biet cach lam roi ;D
em làm mẻ chưa lần nào bị hư hết chị ui. Nhưng em nhớ Nội em dặn là phụ nữ mình, những lúc "gặp bạn trai" thì không được làm mẻ, không được lại gần mẻ? hahahaha ... Em hổng hiểu tại sao, nhưng thường, mỗi tháng đến dịp đó thì em cũng nhớ lời Nội dặn, hổng dám đến gần :) :)
WL, ờ giải thích như em cũng có lý há. :D
DQ, chị không tin cái vụ "gần bạn trai" đâu. Người ta cũng đồn là những ngày đó mình không được muối dưa muối cà. Chị vẫn làm tuốt, và dưa & cà gì cũng giòn rụm không bị khú bao giờ. :D
Chị ơi, lúc làm thành công rồi thì làm sao để sơ chế để nấu giả cầy hả chị. cảm ơn chị
Chị ơi ,chị đã lầm lẫn cơm mẽ và con vòi roi, vì nó có mùi gần như nhau nên người ta tưởng là no,cơm mẽ chỉ nhìn được khi nào nó bò lên thành hủ keo thôi nhe chị .
Cho mình hỏi hủ cơm mẻ của mình nó đỏ dần ở phần trên . Z hủ cơm mẻ mình có bị j hk . Tư vấn giúp
Post a Comment